Chuyển dịch Mũi đất nhọn

Một khi đã hình thành thì mũi đất nhọn có thể ở yên vị trí và tiếp tục phát triển nhờ bồi tụ trầm tích, hoặc chúng có thể chuyển dịch dọc bờ biển do có một bên bị xói mòn và một bên được bồi tụ.[4] Thường thì loại mũi đất nhọn có dịch chuyển là các mũi đất hình thành ở những đường bờ mở.[1] Hướng dịch chuyển thường được biểu thị qua một chuỗi các gờ bãi biển liên tiếp nhau hình thành ở hướng bồi tụ (nơi có năng lượng sóng yếu hơn).[1][4] Người ta thường giải thích rằng nhân tố chính thúc đẩy sự dịch chuyển này là các dòng chảy dọc bờ. Tuy nhiên, con người cũng quan sát thấy một số mũi đất mà tại đó hai mũi đất nhọn nằm tại cùng một đường bờ đã dịch chuyển theo hướng ngược nhau; điều này cho thấy dòng chảy dọc bờ không hẳn luôn luôn là cách giải thích trọn vẹn cho sự dời chuyển của mũi đất nhọn.[1]

Nếu có một bãi cát ngoài khơi thì vị trí của mũi đất nhọn thường phụ thuộc vào vị trí của bãi cát đó. Nếu có sự thay đổi nào trong vị trí của bãi cát thì vị trí của mũi đất nhọn thường sẽ thay đổi theo.[1] Bãi cát ở đây không những đóng vai trò như một hòn đảo - gây khúc xạ sóng biển quanh nó - mà còn là nguồn cung trầm tích cho mũi đất nhọn.[1] Cát bị xói mòn khỏi bãi cát sẽ bị đẩy về phía đường bờ biển và đóng góp cho sự hình thành của mũi đất nhọn. Điều này thường diễn ra theo hướng ngược với hướng của dòng chảy dọc bờ.[1]

Trong trường hợp mũi đất nhọn hình thành gần một hòn đảo thì có khả năng nó sẽ mở rộng về phía đảo và nối liền với đảo để trở thành một doi cát nối đảo.[1] Tùy thuộc vào các điều kiện vật lý như bão mà mũi đất nhọn có thể trở thành doi cát nối đảo hay không. Một ví dụ về hiện tượng này là tại đảo Gabo ở tiểu bang Nam Úc.[1]